CIC36: “Thiết kế” lối đi riêng!

Nguồn: http://enternews.vn/cic36-thiet-ke-loi-di-rieng-84285.html

19/06/2007

Khác với hầu hết các cty tư vấn thiết kế trẻ, ban đầu chỉ có thể tiếp cận những công trình nhỏ, Cty CP tư vấn và đầu tư xây dựng 36 (CIC36) với đội ngũ 7 KTS ở độ tuổi chưa đầy 30 đã lập tức thực hiện được các dự án lớn với số vốn hàng trăm tỷ đồng.

Nhiều người đặt câu hỏi : bằng cách nào mà một DN trẻ như CIC36 lại có thể tiếp cận với nhiều dự án lớn như vậy?

Chọn “thi đấu” gửi “nghiệp”

Tôi tìm đến Cty khi được biết Dự án thiết kế Trường đại học Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng do Cty thực hiện đang được triển khai. Đây là một trong những dự án của CIC36 được các chuyên gia đầu ngành kiến trúc – xây dựng của VN đánh giá rất cao. Tuy nhiên, khi nói về cái “được” của DN, giám đốc Bùi Anh Phú Ninh cho rằng: chặng đường phía trước còn rất dài, CIC36 còn rất nhiều điều phải làm để khẳng định và phát triển thương hiệu của mình.

Khiêm tốn về nhân sự, gọn nhẹ về tổ chức, nhưng tác phong làm việc năng động, chuyên nghiệp, trách nhiệm cao, và đặc biệt năng lực chuyên môn giỏi. Nhờ vậy, có thời điểm chỉ trong vòng 30 ngày mà CIC36 đã thực hiện được chục dự án lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, điều mà ai cũng biết rằng đối với ngành tư vấn – thiết kế, cái khó không chỉ ở việc thực hiện các dự án như thế nào mà chính là làm cách nào để có thể tiếp cận được các dự án lớn với tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Điều mà không phải DN trẻ nào cũng làm được. – Chỉ bằng con đường “thi” – Nghe có vẻ lạ! Nhưng thực tế từ chính các cuộc thi phương án kiến trúc được tổ chức trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta biết đến CIC36. Bắt đầu từ giải nhất cuộc thi thiết kế khách sạn Halong bay, giải nhất cuộc thi thiết kế Trung tâm Hội nghị Công đoàn VN ( Số 1A, Yết Kiêu, Hà Nội), giải 3 cuộc thi thiết kế Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (Cao Bằng), giải nhất cuộc thi thiết kế Nhà điều hành sản xuất Cty Xây dựng mỏ (Quảng Ninh)… CIC36 đã được nhiều chủ đầu tư tin tưởng “chọn mặt” thiết kế những dự án quy mô lớn. Chính vì vậy, chỉ chưa đầy 3 năm kể từ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng của CIC36 đã tăng lên hơn10 lần, nâng số vốn điều lệ trên con số 10 tỷ đồng.

 

Kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh và các cộng sự những ngày đầu thành lập CIC36

Niềm tin tuổi trẻ

Có lẽ trong thời đại ngày nay hiếm có DN nào lại xác định “thi tuyển” là hướng đi xuyên suốt trong quá trình hoạt động và phát triển của mình như như CIC36. Bởi cách thức tiếp cận các dự án lớn thông qua thi tuyển có độ rủi ro cao. Nhiều người cho rằng: thi tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ nặng về hình thức, đằng sau các cuộc thi là sự sắp xếp cho những mối quan hệ sẵn có… Tuy nhiên, giám đốc Bùi Anh Phú Ninh khẳng định: “CIC36 luôn tin tưởng vào các chủ đầu tư, các sở, ban ngành phụ trách chuyên môn, bởi họ là những người có trình độ đánh giá, thẩm định và quản lý dự án. Không ai muốn bỏ tiền ra để nhận về những “sản phẩm” không như mình mong muốn. Và niềm tin của chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở. Sự thật CIC36 chưa từng gặp khó khăn trở ngại nào trong quá trình tham gia các cuộc thi tuyển như cách nghĩ tiêu cực của nhiều người về “canh bạc thi tuyển” mà Ban giám đốc đặt vào số phận của cty”.

– Nhưng dù vậy, thi tuyển cũng là mạo hiểm – người ta nói học tài thi phận mà?

– Kinh doanh phải mạo hiểm. Nhưng “mạo hiểm” trên “xác suất” rủi ro mình cho là “chấp nhận được”. Khi tham gia 10 cuộc thi thì thắng 1 đã là thắng! Cái được không phải là trị giá giải thưởng, mà quan trong hơn, qua các cuộc thi CIC36 khẳng định được mình – Giám đốc CIC36 chia sẻ.

Tạm biệt những con người trẻ tuổi, với khát vọng lớn lao và tinh thần làm giàu chân chính, tôi tin rằng họ sẽ còn chinh phục nhiều giải thưởng cao với những công trình “tầm cỡ” hơn. Và thương hiệu của họ sẽ ngày càng được nhiều người biết đến khi chỉ trong vòng 1 – 2 tháng nữa, cổ phiếu của CIC36 sẽ có mặt trên thị trường chứng khoán VN.


Giải “Kiến trúc sư của Năm” – Sân chơi hữu ích cho các kiến trúc sư

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/lanh-dao-bo/giai-kien-truc-su-cua-nam-%E2%80%93-san-choi-huu-ich-cho-cac-kien-truc-su.html

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh tại lễ trao giải “Kiến trúc sư của Năm 2013” do Mạng truyền thông chuyên ngành quy hoạch – kiến trúc Ashui.com tổ chức, ngày 14/01 tại Hà Nội.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trao giải thưởng “Kiến trúc sư của Năm 2013” cho KTS Bùi Anh Phú Ninh

 

KTS của năm là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam được tổ chức với sự tham gia đề cử và bình chọn từ giới KTS và cộng đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp giải thưởng được tổ chức.

Kết quả, KTS Bùi Anh Phú Ninh (KTS trưởng Cty kiến trúc CIC36) đã được bình chọn cho danh hiệu “KTS của Năm 2013”. KTS Phú Ninh cùng CIC36 đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng các cuộc thi phương án kiến trúc khắp cả nước. Các thiết kế của anh luôn tìm tòi ý tưởng mới, theo xu hướng kiến trúc hiện đại và có sự cộng tác của nhiều KTS trẻ tài năng.

Ban Tổ chức cũng đã trao tặng danh hiệu “KTS lý luận phê bình” cho PGS.KTS Đặng Thái Hoàng, “KTS cộng đồng” cho KTS Nguyễn Duy Thanh (Văn phòng kiến trúc 1+1>2), “KTS Trẻ triển vọng” cho KTS Nguyễn Phước Vinh – người vừa chiến thắng cuộc thi Tài năng Kiến trúc 2013 do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Ashui.com tổ chức.

KTS Võ Trọng Nghĩa – người giành giải “KTS của Năm 2012” đã được tôn vinh là “KTS Danh dự 2013”.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm nay, giải thưởng có thêm danh hiệu “Công trình của năm” nhằm vinh danh KTS thiết kế công trình và cả chủ đầu tư công trình. Cụm công trình Thư viện – Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh do liên danh Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia (VIAP) và Cty S Design thiết kế đã giành được giải thưởng “Công trình của Năm 2013”.

Cụm công trình này được thiết kế từ hình tượng than đá – một trong những khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh, là sự kết hợp hài hòa giữa nước và đá như một biểu tượng trên con đường ven biển đẹp nhất Hạ Long.

Bằng những thủ pháp kiến trúc táo bạo, công trình như một khối than đá với những mặt kính phản chiếu hình ảnh của cảnh quan vịnh Hạ Long, bên bờ biển êm đềm và thơ mộng.

Nhìn xa công trình vững chắc như một khối kim cương đa sắc màu đang tỏa sáng lung linh huyền ảo. Với vật liệu chủ đạo là kính kết hợp bê tông, KTS đã đưa vẻ đẹp của công trình đạt đến độ chuẩn mực về thẩm mỹ trong kiến trúc.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhận định: Giải “KTS của năm” là một sân chơi hữu ích để các KTS Việt Nam thể hiện tài năng, sự say mê và sáng tạo nghề nghiệp.

Hiện cả nước có khoảng 17.000 KTS với hàng nghìn Cty kiến trúc. Bằng sự say mê sáng tạo của mình, các KTS đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kiến trúc, tạo dựng diện mạo đất nước ngày càng đẹp hơn, đô thị phát triển bền vững.

Thứ trưởng cho biết: Bộ Xây dựng đang phối hợp với Hội KTS Việt Nam nghiên cứu Luật KTS để hoạt động hành nghề của KTS có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, để các KTS Việt Nam không chỉ đóng góp tài năng, sáng tạo cho đất nước mà còn vươn ra nước ngoài…

Phạm Vũ


NHỮNG VỊ KHÁCH MỜI ĐẾN TỪ CIC36  

INFO TV ngày 24.1.2014 7.15 a.m

Info TV – 24.01.2014 – 7.15 a.m

Người đăng: CIC 36 vào Thứ sáu, 24 Tháng 1, 2014

 


Gõ cửa ngày mới VTV1 ngày 15/5/2014


HTV1: Gặp Gỡ Hà Nội – KTS chủ trì phương án đạt Giải Ba Cuộc thi Thiết kế kiến trúc Bảo tồn và Phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu – TT Hoàng Thành Thăng Long – HN

 


KTS Bùi Anh Phú Ninh: Hoàng thành Thăng Long cần bảo tồn hơn ‘khoe áo mới’

Nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/kts-bui-anh-phu-ninh-hoang-thanh-thang-long-can-bao-ton-hon-khoe-ao-moi-n20140710073319455.htm

Thứ Năm, 10/07/2014

(Thethaovanhoa.vn) – Ở thời điểm bản thiết kế cuối cùng cho Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc trung tâm Hoàng thành Thăng Long chưa được lựa chọn, phương án của KTS Bùi Anh Phú Ninh đang được các chuyên gia chú ý bởi khả năng dễ điều chỉnh khi triển khai và đặc biệt là ý tưởng đề cao tối đa việc bảo tồn Di sản Thế giới này.

So với 2 giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi thiết kế do UBND TP Hà Nội tổ chức, phương án giành giải Ba này là trường hợp hoàn toàn được thực hiện bởi một tác giả Việt Nam. Đang là KTS trưởng của một công ty xây dựng, Bùi Anh Phú Ninh cũng là người từng nhận giải thưởng Kiến trúc sư của năm 2013do mạng Ashui bình chọn. Anh nói:
– Với tôi, Hoàng thành Thăng Long là biểu trưng số một về sự độc lập và sức sống của VN trong hơn 1.000 năm qua. Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh với đế chế phương Bắc, cụm kiến trúc này vẫn tồn tại tuyệt đối như một trung tâm quyền lực, văn hóa và chính trị để người Việt hướng về. Trên thế giới, rất hiếm có những di sản gắn liền với số phận của quốc gia trong một thời gian dài như vậy.
Thiết kế khu vực này để giới thiệu với du khách quốc tế hay giáo dục thế hệ trẻ thì cũng là để hướng tới những giá trị ấy một cách trọn vẹn, chứ không phải khoác thêm cho nó những lớp giá trị có thể pha loãng, hoặc gây ảnh hưởng tới di sản. Bởi thế, phương án tôi đưa ra hướng về ý tưởng tôn trọng Hoàng thành Thăng Long một cách tuyệt đối và lấy việc bảo tồn làm trung tâm.
KTS. Bùi Anh Phú Ninh
* Để rõ hơn, anh có thể phác qua phương án thiết kế của mình?
– Tôi sử dụng hệ thống mái nhỏ để tạo ra một công viên với các không gian khác nhau. Các mái che phải có khả năng dịch chuyển để phục vụ công tác khảo cổ sau này, đồng thời phải nhẹ để giảm trọng tải lên mặt lớp đất chứa các tầng di sản. Tương tự, kết cấu  tường treo phải có khoảng cách trụ lớn, hạn chế tác động trực tiếp xuống đất. Cây xanh trong công viên cũng được trồng vào các bồn lớn, vừa dễ xê dịch phục vụ khảo cổ khi cần, vừa tránh sự phát triển của hệ rễ xuống phía dưới.
Đặc biệt, để di sản được bảo tồn nguyên trạng tại vị trí cố định theo yêu cầu của UNESCO, các hướng đi trong công viên phải đặt ở những “tầng khác nhau”. Phía dưới lòng đất, trục tuyến tham quan của công trình được đặt song song với trục của các móng kiến trúc cổ để tránh “đè lên” di sản khi xây dựng. Ở lớp vỏ kiến trúc trên mặt đất, các tuyến đi lại xoay theo hướng khác, cùng với trục của nhà Quốc hội.
* Nhưng chúng ta có thể vừa  nỗ lực tối đa để bảo tồn “ở dưới”, vừa có thể dựng lên những kiến trúc ấn tượng “ở trên” không, thưa  anh? 
– Thật ra, trong quá trình tìm ý tưởng, tôi cũng mất thời gian dựng ra những hình thái kiến trúc theo kiểu ấn tượng, bắt mắt hay có những đường nét mềm mại để phô diễn hình thức. Nhưng, càng tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long, tôi càng nhận ra sự sa đà theo hướng ấy chắc chắn  không thể tránh khỏi nguy cơ tạo nên những ảnh hưởng trực tiếp lên di sản.
Nói chung, những tìm tòi về hình thức thì phù hợp với thể loại công trình bảo tàng, nôm na là tạo ra một không gian để đặt hiện vật bên trong. Còn với di sản, hiện vật là thứ có sẵn, kiến trúc không gian phải là phần vỏ “bám theo” hiện trạng, thậm chí phải biến đổi để phục vụ nhu cầu khảo cổ. Di sản quyết định kiến trúc chứ không thể áp đặt, quan điểm của tôi là vậy.
* Có vẻ, hướng đi ấy có phần “khiêm tốn” khi thể hiện cá tính của KTS – trong khi  nhiều người cho rằng, dù sao công viên Hoàng thành cũng phải có một kiến trúc “bắt mắt” để chiêm ngưỡng cho xứng với giá trị dưới lòng đất của nó. Điển hình, một số giám khảo đã nhận xét rằng phương án của anh có tính khả thi cao nhất về mặt bảo tồn, nhưng nếu triển khai thì cần chỉnh sửa lại lớp “vỏ”…
– Chuyện gây ấn tượng tới đâu sẽ phụ thuộc vào từng cách nhìn. Chẳng hạn, trên thế giới cũng có những quan điểm kiến trúc gắn bó với tự nhiên hoặc những thứ có sẵn, đề cao tính địa phương, nguyên thủy và sự đa dạng hóa không ngừng.
Khi thiết kế, tôi cũng lựa chọn xu hướng này. Với các tuyến đường khác nhau, du khách có thể tham quan khu di sản  ở 3 cấp độ không gian (cận, trung và toàn cảnh) và có những xúc cảm đa dạng nhờ những điểm nhìn và trường nhìn đặc biệt. Hơn nữa, mỗi giai đoạn trong quy trình tham quan sẽ khác hẳn nhau, bởi không gian được phát triển theo dòng thời gian và theo quy trình khai quật.
* Hiện tại, thiết kế khu bảo tồn Hoàng thành Thăng Long chưa được lựa chọn, anh có hy vọng nhiều vào phương án của mình không?
– Hội đồng giám khảo cuộc thi có tổng kết rằng các phương án dự thi được triển khai theo 2 xu hướng kiến trúc hữu cơ và kiến trúc hình học. Còn với góc nhìn của tôi, tôi nghĩ nên chia thành 2 xu hướng kiến trúc thiên về hình thức và tôn trọng di sản thì hợp lý hơn. Nếu việc lựa chọn đặt yếu tố bảo tồn làm trọng tâm, tôi tin mình sẽ có cơ hội.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

“Nên bảo tồn nguyên trạng di sản trên chính nơi nó phát lộ”

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nen-bao-ton-nguyen-trang-di-san-tren-chinh-noi-no-phat-lo/272010.vnp

PV (VIETNAM+)

Lấy việc bảo tồn di sản theo đúng nguyên trạng, đảm bảo khả năng điều chỉnh linh hoạt khi tiếp tục triển khai các công tác khai quật, bảo tồn hiện vật… phương án thiết kế mang mã số RZ 866 của kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh và các cộng sự (đoạt giải ba tại cuộc thi “Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội”) được nhiều chuyên gia đánh giá là có tính khả thi cao.

Bên cạnh đó, đây là phương án duy nhất được thực hiện bởi những gương mặt “thuần Việt.”

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh về vấn đề bảo tồn khu di sản Hoàng thành Thăng Long cũng như phương án thiết kế “đi lên từ di sản” của anh và các cộng sự.

Lối vào chính theo phương án thiết kế mã số RZ866

 

“Tôn trọng di sản tuyệt đối

– Cuộc thi không có giải nhất và nhiều ý kiến cho rằng cả ba phương án đoạt giải cũng chưa hoàn hảo, chưa làm giới chuyên môn hài lòng một cách tuyệt đối. Theo anh, nên giải thích điều này bằng việc “đề bài” quá khó, hay bằng… năng lực của các kiến trúc sư Việt Nam?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Hiện nay, một số người nhìn vào việc thiết kế một công trình trọng điểm của Việt Nam, do phía Việt Nam chủ trì thiết kế, họ thường nhắc tới chuyện “năng lực.” Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thì đây là một cuộc thi mang tầm quốc tế và có sự tham gia của nhiều đơn vị (cũng như kiến trúc sư) nổi tiếng trên thế giới.

Thậm chí, nhìn vào kết quả, hai giải thưởng cao nhất của cuộc thi đều thuộc về những đơn vị thiết kế có yếu tố nước ngoài. Bởi vậy, nếu kéo sang vấn đề “trình độ kiến trúc sư Việt Nam chỉ có vậy” là điều hoàn toàn không hợp lý.

Thêm nữa, chúng ta cũng không nên vì chưa thỏa mãn với kết quả thu về mà “đỗ lỗi” cho các yêu cầu mà đề bài đặt ra. Có lẽ, việc kết quả cuộc thi chưa làm ban giám khảo hài lòng tuyệt đối còn phụ thuộc vào quan điểm và cách nhìn của hội đồng giám khảo thôi!

– Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận rằng các phương án dự thi đã phải “cõng theo” khá nhiều yêu cầu: bảo tồn di sản, mang dấu ấn kiến trúc riêng, chú trọng không gian xanh, hài hòa với các kiến trúc xung quanh… Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc kết hợp nhiều yêu cầu như vậy là việc không hề đơn giản, thưa anh?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Theo tôi, đây vẫn là vấn đề xuất phát từ cách nhìn.

Với tôi, Hoàng thành Thăng Long là biểu trưng số một về nền độc lập và sức sống của Việt Nam trong suốt hơn một nghìn năm qua. Suốt chiều dài lịch sử đấu tranh với đế chế phương Bắc, cụm kiến trúc này vẫn tồn tại tuyệt đối như một trung tâm quyền lực, văn hóa và chính trị để người Việt hướng về. Trên thế giới, rất hiếm có những di sản gắn liền với số phận của quốc gia trong một thời gian dài như vậy.

Thiết kế khu vực này để giới thiệu với du khách quốc tế hay giáo dục thế hệ trẻ thì cũng là hướng tới giá trị cuối cùng này. Bởi thế, chúng tôi chọn cách thiết kế “Đi lên từ di sản” cho phương án của mình. Theo đó, mọi ý tưởng thiết kế đưa ra đều hướng về mục tiêu tôn trọng di sản một cách tuyệt đối và lấy yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di sản làm trung tâm.

Phối cảnh ban đêm theo phương án thiết kế mã số RZ866 

– Vậy, trong quá trình hình thành phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội, anh quan tâm nhất tới vấn đề gì?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Điều tôi quan tâm và trăn trở nhất là làm sao bảo tồn được đúng nguyên trạng khu di sản này. Bởi vậy, khi thiết kế phương án kiến trúc để giới thiệu đến du khách những giá trị của khu di tích này, tôi đặt yêu cầu bảo tồn di sản lên hàng đầu. Do đó, ở phương án chúng tôi đưa ra, kiến trúc bề mặt được hình thành từ di sản dưới lòng đất.

Hình thức kiến trúc được tạo ra không phải để khoác thêm một “chiếc áo mới” gây ảnh hưởng đến nguyên trạng của di sản; mà nó phải hướng đến việc bảo tồn nguyên trạng di sản đó.

– Cụ thể, phương án thiết kế mà anh và các cộng sự đưa ra là gì, thưa kiến trúc sư?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Theo quan điểm của tôi, các phương án thiết kế tham gia cuộc thi này thể hiện hai xu hướng kiến trúc.

Xu hướng thứ nhất, kiến trúc thiên về hình thức, chú trọng việc phô diễn vẻ bên ngoài mà bỏ qua tính chất bảo tồn nguyên trạng di sản. Sau đó, tùy theo hình dáng kiến trúc mà sắp xếp lại di sản ở phía dưới. Thậm chí, có trường hợp phải đào các hiện vật lên rồi trưng bày tại một vị trí khác (giống như mô hình của các bảo tàng trưng bày hiện vật). Xu hướng thứ hai là kiến trúc bám theo hiện trạng di sản đang sẵn có ở dưới lòng đất.

Phương án của chúng tôi là phương án duy nhất đi theo xu hướng thứ hai. Tức là, tôi coi di sản dưới lòng đất là thứ có sẵn; phần vỏ kiến trúc lựa theo di sản mà hình thành nên. Có như vậy, phương án mới đáp ứng yêu cầu giữ đúng tính nguyên trạng các hố khai quật đã phát lộ và các lớp di tích đang nằm dưới lòng đất.

Bên cạnh đó, yêu cầu đề bài có nêu rằng, quá trình khảo cổ khu vực 18 Hoàng Diệu còn đang dở dang và sẽ còn tiếp tục được triển khai, mở rộng trong tương lai. Do vậy, chúng tôi đưa ra giải pháp kiến trúc mở và động, lấy cái “động” để bảo tồn cái “tĩnh.” Trong đó, cái “động” ở đây được hiểu là sử dụng giải pháp module (180×360) để bảo vệ cái “tĩnh” là các lớp di tích dưới lòng đất.

Di sản quyết định kiến trúc chứ không thể áp đặt

– Anh có thể giới thiệu cụ thể hơn về phương án của mình?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Phương án của chúng tôi sử dụng nhịp module giúp cho hình thái kiến trúc có khả năng ứng biến linh hoạt tùy theo nhu cầu các giai đoạn khảo cổ.

Chúng tôi đặc biệt lưu ý đến vấn đề khu vực 18 Hoàng Diệu vẫn còn là một công trình khảo cổ dở dang. Do đó, tôi quyết định chọn hình thái kiến trúc động thay vì kiến trúc cố định như các phương án khác. Tôi chọn hệ tường nổi (treo) bằng vật liệu bê tông nhẹ, xuyên sáng, với bước cột lớn nhằm làm giảm tải trọng xuống lòng đất. Cây xanh trong công viên được trồng vào các bồn lớn, vừa dễ xê dịch phục vụ khảo cổ khi cần, vừa tránh sự phát triển của hệ rễ xuống phía dưới.

Đặc biệt, để di sản được bảo tồn nguyên trạng tại vị trí cố định theo yêu cầu của UNESCO, các hướng đi trong công viên phải đặt ở những “tầng khác nhau.” Phía dưới lòng đất, trục tuyến tham quan của công trình được đặt song song với trục của các móng kiến trúc cổ để tránh “đè lên” di sản khi xây dựng. Tuy nhiên, ở lớp vỏ kiến trúc trên mặt đất được xoay lại, cùng với trục của nhà Quốc hội nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình.

Các điểm nhìn cận cảnh, trung cảnh và toàn cảnh sẽ giúp công chúng được tiếp cận di sản, nhìn ngắm hiện vật ở thể nguyên trạng, vốn có của chúng. Tôi cho rằng, để việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đạt hiệu quả thì không gì tốt hơn là bảo tồn nguyên trạng di sản ngay tại chính nơi mà nó phát lộ.

– Nghĩa là, vì tôn trọng tính nguyên trạng của di sản nên chấp nhận hạn chế “vẽ vời” sáng tạo ở những phần thiết kế khác?

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Thật ra, trong quá trình tìm ý tưởng, chúng tôi cũng mất thời gian dựng ra những hình thái kiến trúc theo kiểu ấn tượng, bắt mắt hay có những đường nét mềm mại để phô diễn hình thức.

Tuy nhiên, càng tìm hiểu về khu di sản Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi càng nhận ra sự sa đà theo hướng ấy sẽ không thể tránh khỏi những ảnh hưởng trực tiếp lên di sản này.

Những tìm tòi về hình thức phù hợp với thể loại công trình bảo tàng. Hiểu đơn giản là chúng ta tạo ra một không gian để đặt hiện vật bên trong. Còn với di sản, hiện vật là thứ có sẵn, kiến trúc không gian phải là phần vỏ “bám theo” hiện trạng, thậm chí phải biến đổi để phục vụ nhu cầu khảo cổ. Di sản quyết định kiến trúc chứ không thể áp đặt, quan điểm của tôi là vậy.

– Thế nhưng, hướng đi ấy có vẻ khá “khiêm tốn” khi thể hiện cá tính của các kiến trúc sư khi một số ý kiến cho rằng, đây cũng phải có một công trình kiến trúc đặc sắc để chiêm ngưỡng cho xứng với giá trị… dưới lòng đất của nó? Bởi thế, một số giám khảo đã nhận xét rằng phương án của anh có tính khả thi cao nhất về mặt bảo tồn, nhưng nếu triển khai thì cần chỉnh sửa lại lớp “vỏ”?

Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông”

KTS Bùi Anh Phú Ninh: Tôi thích cách định nghĩa của hai nhà mỹ học Burke và Hogarth, rằng: Cái đẹp “như sự biểu lộ tính quy luật của tự nhiên” hoặc cần được “xem như một phẩm chất của bản thân vật thể.” Còn lại, chuyện gây ấn tượng tới đâu sẽ phụ thuộc vào từng cách nhìn.

Bởi thế, khi thiết kế, chúng tôi đã kết hợp các yếu tố của nghệ thuật sắp đặt để tạo nên sự đa dạng và cá tính cho công trình. Với các tuyến đường khác nhau, du khách có thể tham quan khu di sản ở ba cấp độ không gian (cận cảnh, trung cảnh, toàn cảnh) và có những xúc cảm đa dạng nhờ những điểm nhìn và trường nhìn đặc biệt.

Hơn nữa, mỗi giai đoạn trong quy trình tham quan sẽ khác hẳn nhau, bởi không gian được phát triển theo dòng thời gian và theo quy trình khai quật…

Thêm nữa, tôi quan niệm, Hà Nội là nơi “lắng hồn” núi sông; mà đã là “lắng hồn” sông núi thì người ta phải ngẫm ngợi thì mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp ẩn sâu. Nếu mọi thứ đều phô diễn hết ra bên ngoài thì công chúng sẽ rất nhanh chán.

Thậm chí, việc nhấn mạnh vẻ đẹp phần bên trên còn có thể gây phản tác dụng. Bởi, điều này sẽ tạo nên sự tương phản giữa một bên là sự lộng lẫy, hoành tráng kiểu hiện đại với  một bên là những di tích trầm mặc lẫn trong đất đá.

Theo quan điểm của tôi, đối với công trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ, tốt hơn hết là nên thiết kế phần vỏ bên ngoài đơn giản, tinh tế sao cho thu hút được sự tò mò của khách tham quan. Khi đó, càng đi vào khám phá, người xem càng cảm thấy hứng thú với những điều họ được chiêm ngưỡng.

– Trân trọng cảm ơn anh!./.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố và trao giải cuộc thi “Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội” vào chiều 24/6.

Cuộc thi được chính thức công bố vào sáng 12/2/2014. Sau hơn ba tháng phát động và triển khai, đến trung tuần tháng Năm, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 24 đồ án của 23 đơn vị trong nước và quốc tế.

Kết quả chung cuộc, ban tổ chức đã trao hai giải nhì, một giải ba và ba giải khuyến khích.


Về cuộc thi kiến trúc quanh khu 18 Hoàng Diệu: Phương án nào hợp lý nhất?

Nguồn: http://soi.today/?p=152531

Sau 3 tháng phát động cuộc thi, mới đây, UBND TP.HN đã tổ chức lễ công bố và trao giải cuộc thi Phương án Thiết kế Kiến trúc Bảo tồn và Phát huy giá trị khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội.

Kết quả gồm 02 giải Nhì; 01 giải Ba; (không có giải Nhất). Mặc dù giải thưởng đã được trao cho các đơn vị đạt giải nhưng quyết định lựa chọn ra phương án nào để triển khai thực tiễn vẫn còn là mối băn khoăn của giới kiến trúc cũng như của giới di sản.

HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG ĐỀ BÀI?

(Hình ảnh Phương án thiết kế RZ866 – Giải Ba)

Điều thứ nhất, người thiết kế cần xác định rõ thể loại thiết kế công trình.

Theo Ủy ban Toàn cầu về Môi trường và Phát triển (còn gọi là Ủy ban Brundtland), “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Nếu vận dụng định nghĩa này vào bối cảnh hiện nay, thì vấn đề đặt ra là làm sao để việc bảo tồn và phát huy di sản có được liên hệ chặt chẽ với sự phát triển đô thị toàn diện. Công đoạn khó nhưng rất quan trọng đối với tính bền vững của việc bảo tồn di sản đô thị là tránh cho công trình được bảo tồn bị “bảo tàng hóa”; phải tạo được sức sống về kinh tế, sức hút về văn hóa cho công trình qua các hình thức khai thác, phát huy phù hợp, và qua việc khuyến khích cộng đồng cùng “làm chủ” công trình và giá trị của nó.

Do đó, thể loại công trình của cuộc thi này cần được hiểu là “công trình bảo tồn di sản dưới lòng đất” chứ không phải là  “công trình bảo tàng – trưng bày hiện vật”. Không ít phương án dự thi đã sa đà vào lĩnh vực bảo tàng, trưng bày hiện vật, thậm chí không loại trừ cả những phương án đạt giải cao.

Điều thứ hai, phương án thiết kế phải thể hiện được mối liên hệ giữa khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu này với tòa nhà Quốc Hội. Đồ án cần thể hiện mối liên hệ khăng khít giữa cơ quan quyền lực đương thời với một di sản văn hóa thế giới đặc sắc, cho thấy khu vực khảo cổ học trên là một bộ phận không thể tách rời của Nhà Quốc Hội; là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử , và là minh chứng độc đáo về sự tiến hóa của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Có thể thấy rằng, trên thế giới, rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu của sự phát triển chính trị, văn hóa như Di sản khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Chính vì thế, đồ án phải thể hiện được sự tích hợp giữa Âm và Dương; giữa quá khứ và hiện tại; giữa triều đại cũ và mới. Toàn bộ mối liên hệ này phải được thể hiện một cách tinh tế ở cả phần nội dung cũng như hình thức biểu đạt kiến trúc.

Điều thứ ba, đồ án cần thể hiện rõ nội dung trong quyết định 696/QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt triển khai đề án công trình kiến trúc Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu thuộc Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thành một Công viên văn hóa – lịch sử Hoàng Thành-Thăng Long. Ở đây, trước hết công viên Hoàng Thành-Thăng Long được hiểu là quy hoạch hệ cây xanh trong khu vực. Kế tiếp, công viên này nên được hiểu là tập trung những giá trị của khu trung tâm quyền lực qua các triều đại lịch sử. Công viên văn hóa này còn là thái độ ứng xử văn hóa của mỗi người dân đối với di sản. Hay nói một cách khác, đề bài cần có một phương án toát lên được sự am hiểu văn hóa lịch sử dân tộc Việt với một thái độ biết trân trọng di sản.

Nói một cách ngắn gọn, vấn đề mấu chốt của cuộc thi này nhằm tìm kiếm một ý tưởng thiết kế tổ hợp không gian kiến trúc có thể phản ánh được cả ba giá trị nổi bật của khu di sản Hoàng Thành-Thăng Long; ấy là:

– Chiều dài lịch sử văn hóa

– Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực

– Các tầng di tích di vật phong phú

Bất cứ một phương án thiết kế nào giải quyết được trọn vẹn cả 3 vấn đề nêu trên thì được xem là một phương án kiến trúc hoàn hảo cho nhiệm vụ của đề án này.

TRỞ NGẠI ĐỐI VỚI KIẾN TRÚC SƯ NƯỚC NGOÀI Ở CUỘC THI NÀY

Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng với những đồ án quy mô lớn đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ hiện đại sẽ là thế mạnh của các kiến trúc sư nước ngoài. Tuy nhiên, ở cuộc thi liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản văn hóa Việt thì họ đã chứng minh điều ngược lại. Ở đây, đã xuất hiện một trở ngại văn hóa trong kiến trúc – một sự khác biệt về không gian ý niệm – một thái độ ứng xử xa lạ đối với di sản văn hóa và quyền lực của dân tộc Việt Nam.

Kết quả là đồ án của các đơn vị tư vấn nước ngoài đã không lột tả được tinh thần văn hóa Việt, thậm chí những đồ án đó có sự can thiệp mạnh bạo tới di sản văn hóa của chúng ta để họ dễ dàng thể hiện hình thức kiến trúc và phô diễn công nghệ. Thoạt nhìn, lớp vỏ kiến trúc này khá là hấp dẫn nhưng xét ở gốc độ bản chất, đồ án thiết kế của người nước ngoài đã quên đi giá trị cốt lõi của đề án là tạo kiến trúc bảo tồn và phát huy giá trị các tầng di tích di vật phong phú của một trung tâm quyền lực xuyên suốt chiều dài lịch sử văn hóa.

Đây quả thực là một đề bài “khó nhằn” với các kiến trúc sư nước ngoài. Khó là bởi đề án đòi hỏi sự am tường về lịch sử nước Việt. Khó còn bởi đề án đòi hỏi những giải pháp xử lý thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới trong mức kinh phí giới hạn. Và điều khó nhất là làm sao để phương án thiết kế toát lên được thái độ tôn trọng giá trị lịch sử văn hóa-chính trị của một dân tộc khẳng định được chủ quyền độc lập hơn 10 thế kỷ bằng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại quốc tế.

THẤY GÌ QUA BA PHƯƠNG ÁN ĐƯỢC GIẢI CAO?

Không thể phủ nhận một điều là ba phương án được giải cao SM008, HT6969, RZ866 đều là những phương án tốt, được đầu tư thời gian nghiên cứu công phu. Trong ba phương án đạt giải cao, phương án nào xứng đáng để lãnh đạo Thành phố lựa chọn để triển khai thiết kế xây dựng? Để cùng tìm ra một đáp số hợp lý nhất, chúng ta hãy cùng theo dõi một vài điểm nhìn của các chuyên gia.

1. KTS. Nhà lý luận phê bình kiến trúc Vũ Thanh nhận xét:

Hình ảnh Kiến trúc sư – Nhà lý luận phê bình kiến trúc Vũ Thanh (Vũ Ba Lê)

Về phương án giải Nhì – mã số SM008 của Studio Milou Singapore Pte.Ltd

(Hình ảnh Phương án đoạt Giải Nhì)

Phương án kiến trúc được đánh giá là đại diện cho xu hướng hình học, sử dụng các hệ thống mái che, tạo hình theo bố cục ”kẻ ô”, đan xen giữa các vùng không gian nhỏ, quán cà phê, với các khu vực dành cho khảo cổ trong công viên Hoàng Thành.

Đây là phương án có quy mô tương đối khiêm tốn và thoạt nhìn giống như là một nhà đón tiếp trong khu resort nào đó.

Ngôn ngữ kiến trúc ở đây khá xa lạ cùng với cách sử dụng vật liệu quá sang trọng làm ta liên tưởng đến cảm giác được nghỉ ngơi tại một khu du lịch đâu đó ở Bali hoặc Phukhet hơn là cảm giác muốn được tìm hiểu khám phá tại khu vực khảo cổ. Cá nhân tôi cho rằng khó có thể đẩy thêm phương án này vì nó đã được hoàn thiện hết cỡ, tuy nhiên nếu đồng ý với phương án này cũng có nghĩa là chấp nhận rủi ro tranh chấp cảnh quan giữa khu di tích khảo cổ với công trình Nhà quốc hội và cảnh quan xung quanh.

Về phương án giải Nhì – mã số HT696 của Liên danh Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) – Boydens Engineering – NEY

(Hình ảnh Phương án đồng Giải Nhì) 

Đây là phương án được đánh giá là đại diện cho xu hướng hữu cơ, có tạo hình mềm mại, đưa ra một không gian xanh “ôm” quanh nhà quốc hội, cho phép người xem vừa đi dạo, vừa chiêm ngưỡng các khu vực trưng bày di tích trong khu “vườn khảo cổ” . Tuy nhiên do cố gắng đưa công trình lên quá cao nên cũng là một hạn chế của phương án này, ngoài ra việc đưa vào các kết cấu không gian vượt nhịp lớn cùng với việc gia tăng tải trọng lên mái bằng cách đổ đất, trồng cỏ… sẽ làm cho kết cấu công trình thêm nặng nề.

Nếu tiếp tục đẩy phương án này lên e rằng phải làm lại phương án từ đầu, tuy nhiên chấp nhận phương án này đồng nghĩa với việc chấp nhận sủ dụng các giải pháp cọc khoan nhồi đường kính lớn ăn sâu vào lòng đất vốn chứa đựng nhiều di tích còn chưa được khai quật, theo tôi là việc không dễ chấp nhận.

Về phương án Giải Ba – mã số RZ866 của liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Số 36 và Công ty Cổ phần Kiến trúc và Các công trình Văn hóa 

(Hình ảnh Lối vào sảnh chính A của Phương án đoạt Giải Ba RZ866)

Có thể nói, đây là phương án có kiến trúc hình thành từ di sản. Thoạt nhìn thì không mấy ấn tượng do sử dụng ngôn ngữ đơn giản, nhưng chính phương án này lại đáp ứng được nhiều tiêu chí đề bài đưa ra.

Những hình khối vuông vắn tưởng đơn giản nhưng lại rất ăn nhập với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh vốn chủ yếu được tạo hình từ những khối vuông vắn như Lăng Chủ tịch, Nhà Quốc hội, Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ…

Đây thực sự một phương án được phát triển lên từ di sản, ý tưởng sử dụng hệ kết cấu tường treo để giảm tải trọng xuống di sản dưới lòng đất, đồng thời đặt ra các tuyến giao thông dọc theo bố cục của hệ thống các hố di sản được đánh giá là rất thông minh.

Phối cảnh ban đêm theo phương án thiết kế mã số RZ866 

2. PGS.TS KTS. Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận xét:

(Hình ảnh PGS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam)

“Nhìn chung, trong cả 3 phương án đạt giải cao, bài nào cũng đều có những mặt ưu và nhược điểm. Dù UBND TP.HN có quyết định lựa chọn phương án nào thì phương án đó vẫn cần phải chỉnh sửa thêm.

Tuy nhiên, nếu để lựa chọn ra phương án ít chỉnh sửa nhất thì tôi cho rằng đó sẽ là phương án RZ866. Bởi phương án này chỉ cần chỉnh sửa đôi chút về lớp vỏ kiến trúc.

Riêng về mặt tổ hợp kiến trúc mà nói, phương án giải Ba đã được tác giả xử lý rất thông minh. Đặc biệt, quan sát tuyến giao thông (lối đi tham quan),các cách sắp xếp, bố trí tuyến đi khác hoàn toàn với các phương án dự thi. RZ866 đặt các tuyến đi song song với trục di sản. Nhờ đó mà công trình tránh được sự tác động tới di sản dưới lòng đất. Trong khi đó, phần lớp vỏ kiến trúc nổi bên trên mặt đất lại được đặt song song với trục của Tòa nhà Quốc Hội.

Đây thực sự là một phương án thiết kế kiến trúc biết tôn trọng di sản. Tôi không những đánh giá cao tư duy của nhóm tác giả này mà còn cảm thấy rất tự hào vì nước ta có được đội ngũ kiến trúc sư trẻ tài năng như vậy.”

 3.  KTS.TS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Uỷ viên thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là QHC), nguyên thứ trưởng Bộ Xây Dựng nhận xét:

 

(Hình ảnh KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Đô thị Việt Nam)

Khác hẳn hai phương án SM008 và HT696, phương án RZ866 có một lối đi hoàn toàn riêng biệt.

Về mặt sắp xếp, tổ chức hướng tổ chức không gian đi khám phá, cách sáng tạo trong hướng tham quan đi lên từ di sản là một hướng đi đặc sắc. Khéo léo xoay trục giao thông để phía bên dưới công trình giữ được hướng của lịch sử, phía bên trên công trình theo hướng, trục chính trị thời đại mới. Bên dưới quyết định bên trên – nội dung quyết định hình thức. Đây rõ ràng là một phương án có sự dày công nghiên cứu để tạo nên các lớp lang dày đặc, khéo léo trưng bày cho lớp lớp các phế tích cổ vật.

Thêm nữa, đồ án này mang tính đa cực: cực âm nhạc và cực thời gian,… Đồ án có cng dụng công nghệ và nhiều hệ quy chiếu khoa học: vật liệu, kết cấu, linh hoạt nhịp module, tuyến, hành lang, không gian mở,…

Với giải pháp module linh hoạt, phương án RZ866 không chỉ giải quyết được vấn đề phát lộ khảo cổ mà còn tạo nên một hình thái kiến trúc Động & Mở. Hình thái kiến trúc luôn biến đổi thích nghi với điều kiện khảo cổ tiếp theo. Nếu di sản dưới lòng đất được xem là những thứ có sẵn, cần được bảo tồn nguyên trạng thì kiến trúc và tổ hợp không gian phải lựa theo hiện trạng, lựa theo tự nhiên để hình thành một thể kiến trúc hài hòa với những điều vốn có. Đây chính là một trong những yếu tố cơ bản của xu hướng kiến trúc hữu cơ.

(Hình ảnh mặt bằng các tuyến tham quan của phương án RZ866)

Tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm của nhiều chuyên gia rằng, nếu được lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu đẩy lên thì phương án giải Ba là khả thi nhất, bởi ý tưởng của đồ án này được hình thành lên từ di sản. Điều này chứng tỏ phương án này mới thực sự bám sát nhiệm vụ của cuộc thi. Đó là lấy di sản làm cốt lõi của kiến trúc, thỏa mãn nhiều yêu cầu của đề ra và là phương án duy nhất có thái độ tôn trọng di sản. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn triển khai, thì chắc chắn phần vỏ kiến trúc của phương án này cần chỉnh sửa thêm để mang đậm dấu ấn hơn.

Xét một cách toàn diện, trong 3 phương án đạt giải cao nhất của cuộc thi, theo tôi, phương án RZ866 là một nội dung khoa học quan trọng nhất để xây dựng hướng nghiên cứu đúng đắn


Bùi Anh Phú Ninh – Xã hội chưa trả đúng giá trị lao động

Nguồn: http://designs.vn/tin-tuc/bui-anh-phu-ninh-xa-hoi-chua-tra-dung-gia-tri-lao-dong_14472.html#.W8eC_Nczb4Z

Thứ 4, 18/06/2014

Việc làm là vấn đề mà nhiều bạn trẻ quan tâm nhất là trong những năm gần đây khi tình trạng việc làm khan hiếm, nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu của nhà thiết kế lớn. Designs tuần này đã có buổi phỏng vấn với KTS Bùi Anh Phú Ninh về vấn đề này.

KTS Bùi Anh Phú Ninh  là người vừa  giành danh hiệu “Kiến trúc sư của năm 2013” do mạng quy hoạch kiến trúc Ashui.com công bố ngày 31-12-2013.  Anh được coi là kiến trúc sư có những công trình đổi mới, tiên phong. Và anh cũng là một trong những gương mặt triển vọng, dẫn đầu về thiết kế của VN trong tương lai. Bên cạnh đó anh cũng là Giám đốc / Kiến trúc sư trưởng Công ty CP tư vấn và đầu tư xây dựng 36 (CIC36).

Designs rất muốn được phỏng vấn anh về một lĩnh vực khác không phải kiến trúc mà là vấn đề về tuyển dụng nhân sự. Đây dường như đang là một vấn đề bức bách và cần thiết cho các bạn KTS trẻ sắp ra trường chưa định hướng được mình cần những hành trang gì cho tương lai.

 

Hình ảnh Kiến trúc sư Bùi Anh Phú Ninh – Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Số 36 (CIC36 JSC)

 

Chào anh. Hiện tại anh đang có những dự án gì?

 

Chào bạn. Hiện tại tôi có 1 số dự án thuộc nguồn vốn ngân sách.

 

Với tình trạng biến đổi khí hậu gây ra thời tiết khắc nghiệt thì theo anh “Một tòa nhà mang tính ứng dụng và thân thiện môi trường” là gì?

 

Là không phá hoại môi trường (cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội)

 

Và giải pháp thiết kế nào là phù hợp?

 

Tuân thủ mật độ (người ta lấn chiếm diện tích cây xanh mặt nước để khai thác cho mục đích khác dẫn đến chênh lệch và thiếu hụt khoảng thở rồi ngụy trang cho nó bằng cách trồng cây lên tường và mái khiến cho đô thị rất ngột ngạt và rườm rà)

 

 Anh nhấn mạnh điều gì trong các thiết kế của mình?

 

Tỷ lệ (Từ không gian, hình thức, công năng, chi tiết…Nếu sắp đặt một tỷ lệ chừng mực hay một tỷ lệ đối lập sẽ tạo ra cho công trình những hiệu quả rất thú vị)

Cụ thể :

– Mặt bằng tổng thể: cần có tỷ lệ của mật độ (Diện tích xây dựng, cây xanh mặt nước,giao thông…)

– Mặt đứng hay hình thức: cần có tỷ lệ của đặc rỗng…

– Không gian: cần có tỷ lệ  to, nhỏ, cao, thấp  rộng, hẹp, dài , ngắn…

– Chi tiết: cần có tỷ lệ ít hay nhiều…

 

Theo anh bộ mặt đô thị Việt Nam đang cần điều gì?

 

Trật tự sạch sẽ rồi mới đến đẹp.

Thiết chế thực hiện quy hoạch phải sạch sẽ.

Đô thị nên quan tâm tới việc con người đối xử với nhau tại đô thị hơn là sự hoành tráng, nguy nga của các tòa nhà. (cùng bon chen tham gia giao thông, chú công an phường, trật tự, làm hỗn loạn với gánh hàng rong mỗt buổi sáng tại khu dân cư của đô thị ….) Đấy mới là bộ mặt.

 

Với thị trường kiến trúc sư Việt Nam hiện không thiếu nhân lực nhưng nền kiến trúc vẫn còn rất nhiều bất cập, đó là vì sao?

 

Đó là vì sao? Vì vai trò của người kiến trúc sư trong xã hội. Quyền hạn dành cho KTS là không có, Niềm tin của chủ đầu tư dành cho KTS chưa cao. Kết quả là những công trình với ý trí của lãnh đạo cùng nguyện vọng của các cấp chính quyền chen lấn băm vụn đô thị làm cho nó tàn tật rồi các nhà báo vào than khóc…”Hỡi kiến trúc sư các anh đang ở đâu”…!

 

Với các bạn trẻ mới ra trường thì kinh nghiệm gần như không có nhưng đa phần các công ty tuyển dụng đều yêu cầu kinh nghiệm 2-3 năm. Anh thấy điều này thế nào?

 

Có lẽ cái kinh nghiệm từ 2-3 năm đấy là kinh nghiệm sống và ý thức được vị trí của cái nghề trong xã hội nó không ghê gớm và màu hồng như các bạn chưa có kinh nghiệm đang nghĩ.

 

Và không phải kiến trúc sư trẻ nào cũng định hướng được phong cách kiến trúc cho bản thân, anh có lời khuyên gì cho các bạn KTS trẻ?

 

Phương tiện truyền thông rất nhiều để tiếp cận với xu thế quốc tế cũng rất thuận lợi vấn đề khó là ứng dụng trong môi trường văn hóa và môi trường hành nghề hiện nay tại Việt Nam này như thế nào?

Tôi chưa thành công để có lời khuyên. Bên cạnh đó là con đường tìm việc làm thời gian gần đây dường như rất hạn hẹp, những sinh viên mới tốt nghiệp hoang mang không định hình  được mình sẽ làm gì và kết quả là các bạn ấy sẽ làm những công việc không đúng chuyên môn mình đã học và gần như là mất nghề. Là nhà tuyển dụng anh nghĩ sao về điều này?

 

Tôi cũng thế vẫn hoang mang cũng có thể một ngày kia tôi sẽ làm nghề khác. Nếu như nghề không yêu tôi và nếu như vậy thì môi trường hành nghề đang ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Vậy anh cần gì ở nhân viên thiết kế của mình?

 

Thích nghi với môi trường. Xã hội chưa trả đúng cho giá trị lao động của họ đâu!

 

Anh sẽ tuyển dụng những sinh viên trẻ chưa có kinh nghiệm chứ? Để được vào công ty anh họ sẽ phải có những tiêu chuẩn gì?

 

Chúng tôi sẽ tuyển CIC36 chỉ cần xem đồ án mà họ đã thực hiện trong trường Đại học.

 

Theo anh quá trình để một sinh viên ra trường từ thực tập đến một KTS thiết kế được (chứ không hẳn giỏi) phải trải qua quá trình thế nào?

 

Họ phải hiểu rõ về những thứ họ vẽ và phải hiểu rõ xã hội có cần những thứ đó không.

 

Cám ơn anh về bài phỏng vấn và những lời khuyên rất hữu dụng đối với các bạn KTS trẻ đang xoay mình trong công cuộc tìm kiếm việc làm.

 Chúc anh luôn thành công trên con đường của mình và đào tạo thêm nhiều lớp cán bộ KTS vừa có tâm vừa có tài. 

PHƯƠNG CHI / DESIGNS.VN